Bạo lực gia đình và ly hôn

Trước tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn gia tăng, việc hình thành mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình được nhiều địa phương chú trọng.

Ly hôn tăng

Tình trạng các cặp vợ chồng đối diện với nguy cơ tan vỡ hạnh phúc và ly hôn có xu hướng tăng tại nhiều địa phương, trong đó có Đại Lộc. Theo số liệu thống kê của TAND huyện Đại Lộc, phần lớn số vụ ly hôn do liên quan tới bạo lực gia đình và bất đồng quan điểm sống chiếm tỷ lệ cao. Năm 2013, toàn huyện xảy ra 253 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần 150 vụ, bạo lực thân thể 99 vụ. Năm 2014, dù số vụ án ly hôn liên quan tới bạo lực gia đình có phần giảm (còn 45 vụ), trong đó bạo lực tinh thần 18 vụ, thân thể 22 vụ… song đó chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Mỗi năm, án ly hôn liên quan tới bạo lực gia đình chiếm hơn 40% trong tổng số vụ việc và đối tượng bạo lực chủ yếu là nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 16 – 59 là đối tượng phải gánh chịu hậu quả.

Theo ông Trương Văn Triệu – Phó Chánh án TAND huyện, phần lớn các đối tượng ly hôn là các cặp vợ chồng trẻ, dù đã có con cái nhưng công ăn việc làm thiếu ổn định. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ly hôn có xu hướng tăng ở giới trẻ chính là tâm lý chủ quan, lý tưởng hóa cuộc sống khi yêu, còn khi cưới, các vấn đề cơm áo gạo tiền, trách nhiệm đối với gia đình hai bên, áp lực kinh tế, nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái… khiến họ chọn lối thoát khỏi gia đình để không còn ràng buộc.

Vai trò của xã hội

Tổng kết công tác gia đình giai đoạn 2012 – 2015, ông Phan Vân Trình – Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc cho hay, hằng năm các địa phương tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, ngày Gia đình Việt Nam 28.6, ngày Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25.11… qua đó, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, sinh hoạt chuyên đề về “Giao tiếp ứng xử trong gia đình”, tổ chức các hội thi về gia đình… Phòng VH-TT cũng chỉ đạo công tác điều tra, nắm tình hình về phòng chống bạo lực gia đình, nắm tình hình các gia đình có nguy cơ bạo lực để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, thôn tổ đoàn kết có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 7 mô hình CLB Phòng chống bạo lực gia đình như: CLB thôn Hà Tân (xã Đại Lãnh) với 31 thành viên tham gia; CLB thôn Mỹ Lễ (xã Đại Thạnh) với 20 thành viên; CLB thị trấn Ái Nghĩa với 20 thành viên…

Hội LHPN huyện cũng đã vận động thành lập 29 CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi dạy con tốt”, “Nhóm tổ không có con hư, tệ nạn xã hội”… 29 địa chỉ tin cậy cũng đã được thành lập tại 18 xã, thị trấn là nơi chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình. Bà Nguyễn Thị Mừng – Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ, thông qua mô hình CLB, các buổi sinh hoạt, giao lưu, những chị em phụ nữ thuộc đối tượng có nguy cơ bị bạo hành sẽ được vận động tham gia CLB. Qua nắm tình hình, hội và các chi hội sẽ tìm hướng tháo gỡ, giúp đỡ, can thiệp kịp thời. Nhờ việc lồng ghép nhiều chương trình, hoạt động, CLB, nhiều mô hình ở địa phương nên công tác phòng chống bạo lực gia đình bước đầu có hiệu quả. Song trước sự phức tạp trong đời sống hôn nhân và gia đình của xã hội hiện đại và tình trạng ly hôn có xu hướng tăng, công tác gia đình đối diện với rất nhiều áp lực, cần sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng, xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

4 lần trộm trâu bò, thanh niên lãnh 15 tháng tù giam

TAND huyện Đại Lộc vừa tổ chức phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Chí …

X